“CÔNG DÂN VIỆT NAM, NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM CÓ QUYỀN, NGHĨA VỤ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH” ĐĂNG KÝ KHAI SINH

 Trách nhiệm, thời hạn đăng ký khai sinh: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em
Hồ sơ đăng ký khai sinh:
(1) Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);
(2) Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy tờ cam đoan về việc sinh;
(3) Trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;
(4) Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ quan y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản do người mang thai hộ;
(5) Văn bản ủy quyền: trong trường hợp cha, mẹ không đi đăng ký khai sinh cho con được thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay và việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định, nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
 Thẩm quyền đăng ký khai sinh: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
 Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh: Giấy khai sinh là một loại giấy tờ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đầu tiên, nó chứng minh quyền công dân của trẻ, giúp trẻ có quyền tham gia vào các dịch vụ xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm xã hội, đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng như thực hiện quản lý về dân cư như đăng ký cư trú, làm thẻ bảo hiểm y tế, thẻ căn cước công dân…

ĐĂNG KÝ KHAI TỬ
 Trách nhiệm, thời hạn đăng ký khai tử: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử;
Hồ sơ đăng ký khai tử:
(1) Tờ khai đăng ký khai tử;
(2) Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp.
(3) Văn bản ủy quyền: trong trường hợp vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác không đi đăng ký khai tử cho người chết được thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay và việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định.
 Thẩm quyền đăng ký khai tử: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
 Giá trị pháp lý của Trích lục khai tử: Trích lục khai tử có giá trị xác nhận về việc một người nào đó đã mất. Theo đó, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện đăng ký khai tử theo quy định thì sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ như thân nhân của người chết sẽ không được hưởng thanh toán chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội nếu trong hồ sơ bảo hiểm không có Trích lục khai tử hoặc giấy tờ thay thế Trích lục khai tử theo quy định; một người không thể kết hôn với người khác nếu không có giấy tờ chứng minh vợ hoặc chồng của mình đã chết, làm cơ sở chấm dứt quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật; việc phân chia di sản thừa kế không thể thực hiện được nếu không thể chứng minh người để lại di sản đã chết; thanh toán các khoản nợ của người chết như thế nào…Như vậy, sẽ có rất nhiều tranh chấp xảy ra, gây tốn kém về thời gian, tiền của, công sức của người dân khi một trong hai bên tham gia quan hệ pháp luật bị chết nhưng không được thông báo và được nhà nước xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai tử.
ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
 Về độ tuổi được phép đăng ký kết hôn: Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
 Hồ sơ đăng ký kết hôn: tờ khai theo mẫu quy định.
 Thủ tục đăng ký kết hôn: hai bên nam nữ phải cùng có mặt khi đăng ký kết hôn, ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định thì việc kết hôn được giải quyết, hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch, ký tên vào Giấy Chứng nhận kết hôn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
 Thẩm quyền đăng ký kết hôn: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận kết hôn: Giấy chứng nhận kết hôn giấy tờ hợp pháp xác nhận quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ. Từ đó, hai bên trong quan hệ hôn nhân phát sinh các quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, quan hệ về nhân thân, tình cảm, quan hệ con cái, tài sản và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Giấy chứng nhận kết hôn còn là bằng chứng bắt buộc để Tòa án xem xét và thụ lí giải quyết việc ly hôn.

Công chức Văn hóa- Xã hội./.

Bài trướcPhát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2025
Bài tiếp theoTHÔNG BÁO XÉT XỬ LƯU ĐỘNG