Phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Triệu chứng và các biện pháp phòng chống


1. Đặc điểm, tính chất, triệu chứng, đường lây truyền của Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP)
– Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do Virus gây ra. Không có thuốc điều trị đặc hiệu.
– Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi lứa tuổi ở lợn, Tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
– Virus DTLCP có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn, có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, virus bị chết ở 700C. Chính vì sức đề kháng của virus nên khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài.
– Triệu chứng của bệnh: Sốt rất cao trên 400C, lợn bỏ ăn, lười vận động, nằm ủ rũ, một số vùng da trắng ở vùng ngực và bụng chuyển sang màu đỏ. Vành tai, đuôi, cẳng chân có thể có màu sẫm xanh tím hay da bị hoại tử, viêm loét.
– Bệnh lây nhiễm lan qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus như: lợn nhiễm bệnh, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và thức ăn nhiễm bệnh…vv.



2. Các biện pháp phòng, tránh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

– Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; Không cho lợn ăn thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng, khách sạn…; hạn chế khách tham quan, thương lái vào khu vực chăn nuôi.
– Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng
– Thường xuyên vệ sinh, sát trùng tại khu vực chăn nuôi, các phương vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất.
– Không mua, bán thịt lợn, sử dụng con giống không rõ nguồn gốc. không sử dụng thức ăn thừa hay chưa được nấu chín từ sản phẩm của lợn.
– Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin như tụ huyết trùng, dịch tả lợn,…vv phòng tránh cho lợn bị nhiễm bệnh và dễ ghép bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
– Thực hiện 05 không trong chăn nuôi:
+ Không giấu dịch;
+ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết;
+ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết;
+ Không vứt xác lợn chết ra môi trường;
+ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

– Khi phát hiện đàn gia súc có những biểu hiện bất thường, lợn chết không rõ nguyên nhân thì phải báo cáo kịp thời cho UBND xã, Thú y xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời.

* Lưu ý: Tất cả người dân cần chủ động giám sát, phát hiện, đấu tranh, không tham gia, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép vào địa bàn tiêu thụ. Không chăn nuôi, mua bán lợn, sản phẩm lợn không có nguồn gốc rõ ràng. Khi phát hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép; giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết hoặc các hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh cần báo ngay cho UBND xã, thị trấn xử lý nghiêm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện rất mong được sự quan tâm của UBND các xã, thị trấn trong việc tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh DTLCP trong giai đoạn hiện nay./.

                                                                                   Công chức Văn hóa – Thông tin./.

Bài trướcLộ trình tắt sóng 2G- Những điều cần biết
Bài tiếp theoLộ trình dừng sóng di động 2G