Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới

Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo, mọi người dân; chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống; chuyển đổi số là thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện, trong mọi lĩnh vực. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quá trình chuyển đổi số, các mô hình làng/xã thông minh đang mang lại hiệu quả trong việc thay đổi diện mạo và đời sống người dân khu vực nông thôn.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều nông dân bắt đầu áp dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới phương thức sản xuất cũng như bán hàng; sử dụng mã QR Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng công nghệ blockchain, sử dụng thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử. Chuyển đổi số tạo ra nền tảng cho phép người nông dân và các thị trường kết nối với nhau không phân biệt vị trí địa lý…

Tiềm năng chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt nam là rất lớn, chuyển đổi số mang lại những kết quả tích cực trong chất lượng sản phẩm, năng suất, thay đổi đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong nông nghiệp.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được nêu tại Quyết định số 924/QĐ-TTg là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột: (i) Phát triển chính quyền số ở nông thôn; (ii) Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; (iii) Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững… Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Tại Quyết định số 924/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tuyên truyền về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; chủ trì, hướng dẫn các địa phương tăng cường chuyển đổi số trong thực hiện các nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế công nghệ số triển khai cung cấp các dịch vụ trực tuyến tại khu vực nông thôn về các lĩnh vực phụ trách. Đề nghị cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tăng cường vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thành viên, tuyên truyền để người dân, cộng đồng chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số trong nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện các nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo nhiệm vụ được phân công./. 

                                                                                          Công chức VH-TT sưu tầm./.

Bài trướcHướng dẫn cách đăng ký VssID nhanh chóng và đơn giản
Bài tiếp theoPác Nặm: 08 người nghi bị ngộ độc thực phẩm do ăn nấm rừng